TINH TÚY LINH HỒN ẨM THỰC VIỆT: PHỞ BÒ

silk path - Phở - Cẩm nang du lịch Việt Nam-feature

Khi nhắc đến ẩm thực Việt Nam, không thể không nhắc tới phở bò – Món ăn quốc hồn quốc túy đã chinh phục trái tim thực khách toàn cầu. Không chỉ là một món ăn, phở còn là kho tàng những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, về nghệ thuật ẩm thực, tất cả hòa quyện trong một tô nước dùng nóng hổi, thơm lừng. Điều gì đã làm nên sự khác biệt của phở? Silk Path mời quý vị cùng khám phá!

 

Hương vị di sản vượt thời gian

Silk Path - Cẩm nang du lịch Việt Nam - Phở (The Gloria by Silk Path)Phở xuất hiện tại miền Bắc Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 tại Hà Nội. Ban đầu, phở là món ăn sáng giản dị của người lao động. Qua thời gian, phở đã trở thành một trong những biểu tượng ẩm thực của Việt Nam, được bạn bè quốc tế đón nhận và yêu mến. Trong lần công bố danh sách Michelin Guide gần đây, có tới 13 quán phở tại Việt Nam đã được vinh danh trong hạng mục Bib Gourmand, ghi nhận chất lượng món ăn xuất sắc với giá cả phải chăng.

Mỗi vùng miền lại có những biến tấu hương vị khác nhau để món phở phù hợp với khẩu vị cư dân địa phương nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng. Chu du quanh mảnh đất hình chữ S và thưởng thức đặc sản phở bò đã trở thành một trong những chủ đề “hot” của nhiều Travel Blogger, Vlogger khi khám phá Việt Nam.

 

 

Độc đáo vị phở Bắc – Trung – Nam

Phở Bắc

Vị phở bò giữa các vùng có sự khác nhau, cân chỉnh từng chi tiết. Nếu phở bò Hà Nội nổi bật với vị nước dùng trong, thanh, ninh từ xương bò kết hợp quế, hồi, thảo quả, gừng nướng để giữ hương thơm nhẹ nhàng và tạo độ ngọt tự nhiên thì phở bò Nam Định lại đậm đà, béo ngậy hơn nhờ phần nước cốt ninh từ xương ống bò, có thể thêm đuôi bò để tăng độ sệt, kết hợp cùng gừng, nước mắm cốt đặc trưng miền biển địa phương. Đặc biệt, phần thịt bò trong phở Nam Định chế biến đa dạng, bao gồm cả tái, chín và cả áp chảo, tạo nên sự phong phú trong kết cấu vị.

Silk Path - Phở Bò Hà Nội - Cẩm nang du lịch Việt Nam
Phở bò Hà Nội made-by-Silk Path
Silk Path - Phở miền Bắc - Cẩm nang du lịch Việt Nam
Miền Bắc ăn phở thêm chanh/ dấm tỏi, quẩy, trứng chần

 

 

Phở Tây Bắc

Silk Path - Phở Bắc Hà - Cẩm nang du lịch Việt Nam
Sợi phở to bản lạ kỳ của bà con Bắc Hà

Phở Tây Bắc lại mang một màu sắc rất khác, với hình thái “thấm đẫm” hương vị núi rừng như phở Bắc Hà, phở Sa Pa. Nơi đây, bánh phở có màu hồng nâu nhàn nhạt vì được làm từ nguyên liệu riêng biệt – gạo nương đỏ. Gạo được trồng trên nương, ven những vách núi cao, lớn lên trong môi trường khô cằn, khắc nghiệt nên hạt gạo khá cứng, khó dùng để nấu cơm, nhưng chuyển sang làm phở, xắt to bản thì rất hợp. Bên cạnh bò, người vùng cao dùng thịt trâu để tạo độ dai, mọng cho nguyên liệu thịt hoặc thịt gà đồi chắc nịch nấu phở. Bánh phở được làm thủ công, bột tráng, mềm mịn, thơm mùi gạo, dai ngon tự nhiên hòa vào nước cốt phở tạo nên hương vị rất hào sảng!

 

Phở Trung – Nam

Phở Sài Gòn 

Cuộc “di tản” của phở khá ấn tượng, diễn ra vào thập niên 1950 khi người dân Bắc vào Nam. Tại Sài Gòn, phở nhanh chóng thích nghi, phục vụ cộng đồng rồi lan rộng đến Biên Hòa, Đồng Nai, miền Đông… Phở Sài Gòn biến đổi mạnh mẽ về khẩu vị nên nước phở ngọt từ đường và xương bò tạo nên một phong vị riêng, khác biệt với phở Bắc. Phở Sài Gòn không chỉ mở rộng về số lượng mà còn phát triển về chất lượng, trở thành dòng phở chủ lực sánh ngang phở Hà Nội, tạo nên bức tranh ẩm thực phong phú của Việt Nam.

Silk Path - Phở miền Trung Nam - Cẩm nang du lịch VIệt Nam
Phở miền Trung, miền Nam thêm tương, giá

Các loại rau gia vị cũng khác nhau ở mỗi vùng miền để làm phong phú hơn hương vị của phở. Phở bò ở miền Bắc, ngoài hành lá trong bát, phở sẽ không ăn kèm các loại rau gia vị. Ở miền Trung, rau húng quế, rau răm và giá đỗ là những nguyên liệu phổ biến. Miền Nam lại thường thêm các loại rau như rau thơm, ngò gai và chanh để tạo hương vị đậm đà, dễ chịu. Đặc biệt, ớt tươi là một gia vị không thể thiếu ở miền Trung và miền Nam, tạo nên sự cay nồng đặc trưng cho phở. Rau thơm và gia vị như hành, chanh, ớt không chỉ làm món phở thêm phần tươi mát mà còn giúp tăng cường hương vị, làm cho mỗi tô phở trở nên trọn vẹn và hấp dẫn.

 

 

Phở Hội An 

Silk Path - Phở Hội An - Phở Tùng - Cẩm nang du lịch Việt Nam
Phở Hội An. Ảnh: duyendangvietnam.net.vn

Nếu như phở Hà Nội, phở Sài Gòn là thức quà mang tính thưởng thức, phở Hội An lại như một khúc nhạc lowkey mộc mạc và độc đáo của các “phở đồ”. Bánh phở Hội An khô dai sần sật, phơi một nắng, khác biệt hoàn toàn bánh phở tươi truyền thống. Nước phở nhẹ nhàng, không có hương quế, hồi hay mùi gây của bò, phù hợp khẩu vị địa phương. “Topping” phở ngoài bò còn có bê thái mỏng, chả bò, đu đủ muối chua, lạc rang, giá đỗ, húng quế, cùng gia vị đa dạng. Phở Hội An tạo nên sự phá cách, khiến người ngoài xứ vừa tò mò vừa lạ lẫm.

 

 

Phở Huế

Silk Path - Phở Huế - Cẩm nang du lịch Việt Nam
Phở bò Huế dành cho các “cú đêm”

Phở Huế cũng là một điểm nhấn khá thú vị cho phở miền Trung. Ở mảnh đất Cố đô, du khách thường nhớ nhung bún bò Huế nhưng ít ai biết phở Huế cũng là một thức quà cư dân địa phương rất ưa chuộng. Phở Huế mang nét thanh cảnh, nhẹ nhàng, khác biệt với sự đậm đà của bún bò Huế. Nước phở trong veo, thoảng vị nước mắm, ăn kèm bánh phở, thịt bò thái mỏng, chả bò và hành ngò. Khác với thói quen ăn phở sáng, phở Huế thường xuất hiện vào ban đêm, trở thành món ăn khuya ấm lòng của người Huế. Hình ảnh những xe phở lấp lánh ven bờ nam sông Hương khi thành phố lên đèn sau ánh chiều tà đã làm nên dấu ấn riêng, khó quên của phở Huế.

 

 

Văn hóa thưởng thức của người Việt

Phở không chỉ là một món ăn mà còn là biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Nó xuất hiện trên bàn ăn sáng của mọi nhà, trong những dịp đặc biệt, và thậm chí trong các buổi hội họp quan trọng. Ở nước ngoài, phở được xem là “đại sứ” ẩm thực, giúp bạn bè quốc tế hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam.

Silk Path - Gánh phở xưa - Cẩm nang du lịch Việt Nam
Gánh hàng phở trong các tư liệu xưa

Trong ký ức của nhiều người Hà Nội, đặc biệt là những thế hệ trước, hình ảnh những gánh phở rong ruổi khắp các con phố Hà Nội xưa luôn gợi lên cảm giác thân thuộc và ấm áp. Những người bán hàng với đôi quang gánh trên vai, một bên là nồi nước dùng sôi sục, bên kia là bát đũa và nguyên liệu, len lỏi qua từng ngõ ngách, mang đến hương vị phở thơm lừng, đánh thức cả những tâm hồn khó tính nhất. Tiếng rao “phở đây!” vang vọng từ xa, dần trở thành một phần không thể thiếu của nhịp sống Phố cổ. Thưởng thức bát phở nóng hổi bên vỉa hè, cảm nhận sự giao thoa giữa hương vị truyền thống và không gian phố phường tấp nập, đó chính là nét đẹp văn hóa ẩm thực mà phở gánh mang lại.

Phở gà trộn và phở cuốn biến tấu

Ngày nay, phở không ngừng được biến tấu để phù hợp với thị hiếu mới. Từ bát phở nước quen thuộc, người ta đã biến tấu thành nhiều phiên bản phong phú để phù hợp với khẩu vị hiện đại. Phở xào với sợi bánh phở dai mềm kết hợp cùng rau củ và thịt, mang hương vị đậm đà. Phở trộn lại là sự hòa quyện tinh tế giữa bánh phở, nước sốt đặc biệt và các loại “topping”. Phở cuốn đơn giản nhưng tiện lợi, với lớp bánh phở mềm gói trọn nhân thịt và rau sống. Phở chiên phồng giòn rụm, tạo nên cảm giác mới lạ, hấp dẫn. Phở chay sử dụng nguyên liệu thanh đạm từ rau củ, nấm, vẫn giữ được hương vị thơm ngon. Dù biến đổi theo nhiều cách, các món ăn này vẫn tôn vinh tinh thần và giá trị của phở Việt Nam.

Văn hóa ăn sáng vỉa hè thân thương

Phở không chỉ mang vị ngon của một món ăn mà còn lưu luyến trong tâm hồn như một phần của văn hóa đường phố, ẩm thực “vỉa hè” của người Việt Nam. Người Việt dù ở nơi đâu, chỉ cần nhắc đến phở là lạ gợi những ký ức thân thương: những buổi sáng mát lành, ngồi bên bát phở nóng hổi, hít hà hương thơm lan tỏa. Món ăn quốc hồn quốc túy này như chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, mang hương vị quê nhà đến gần trái tim mỗi con đất Việt.

 

 

Dù thưởng thức ở Hà Nội, Sài Gòn, hay bất cứ nơi đâu trên thế giới, hương vị phở thơm ngon và phong phú luôn mang đến một cảm giác quen thuộc nhưng không kém phần thú vị. Hãy ghé thăm Silk Path trong những ngày đầu xuân để thưởng thức phong vị ẩm thực Việt Nam có 1-0-2, và tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt vời bên gia đình, bạn bè bạn nhé.

 

btn-dangkyhocthu