CƠN BÃO ẨM THỰC THẾ GIỚI MANG TÊN “BÁNH MÌ”

silkpath-vietnam travel guide - Banh mi Viet Nam

Bánh mì Việt Nam – món ăn tưởng chừng giản dị nhưng lại chứa đựng cả một hành trình văn hóa và sáng tạo ẩm thực. Từ những ổ bánh thơm giòn của Hà Nội đến các biến tấu đậm đà ở miền Trung hay miền Nam, mỗi vùng miền lại mang đến một hương vị rất riêng.

Cùng Silk Path khám phá hành trình đặc biệt của bánh mì – từ nguồn gốc du nhập đến những “biến hóa” đa dạng khắp ba miền đất nước.

 

Bánh mì – câu chuyện về một thời đã qua

Cẩm nang du lịch VIệt Nam - Silk Path - Gánh bánh mì rong ngày xưa
Gánh bánh mì rong ngày xưa. Ảnh: Sưu tầm

Bắt nguồn từ món bánh ‘baguette’ của người Pháp, bánh mì bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ thời kỳ Đông Dương Pháp thuộc, đặc biệt là Sài Gòn vào những năm 1859. Ban đầu, bánh mì dành cho tầng lớp thượng lưu vì giá bột mì nhập khẩu cao. Sau năm 1954, khi hơn một triệu người từ Bắc sang Nam di cư, chiếc bánh mì được “nâng tầm” tại Sài Gòn với sự ra đời của các tiệm bánh như Hòa Mã. So với ‘baguette’ của thực dân Pháp lúc bấy giờ, bánh mì đã được người dân Sài Gòn ‘cải biên’ với chiều dài ngắn hơn, lớp vỏ ngoài mỏng và giòn hơn. Đây là lúc bánh mì dần trở thành “món ăn quốc dân” với kích cỡ nhỏ gọn, ruột bông xốp và vỏ giòn tan – đặc trưng không thể rời mắt.

Một cửa hàng bánh mì nổi tiếng nhất nhì Sài thành khi xưa. Ảnh: Sưu tầm

Không chỉ là một món ăn, bánh mì còn gắn liền với những thăng trầm của lịch sử Việt Nam, từ thời kỳ đấu tranh chống ảnh hưởng phương Tây đến quá trình hội nhập văn hóa và những cảm xúc từ ghét đến thương của đồng bào ta. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã nhắc đến bánh mì trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1861), phản ánh tinh thần chống lại ảnh hưởng phương Tây. Tuyên ngôn “thà đui mà giữ đạo nhà” của ông khởi xướng phong trào tẩy chay bánh mì, rượu chát, xà bông… Đến năm 1939, dù đã phổ biến, bánh mì vẫn gây trăn trở cho chí sĩ Phan Bội Châu: “Chiếc bánh não nùng mùi đất lạ/ Bát cơm đau đớn máu cha ông.” Nhưng lúc ấy, bánh mì đã thành món ăn quen thuộc của người Việt. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nhận định: bánh mì là biểu tượng của giao thoa lịch sử – nơi xung đột, áp đặt, đấu tranh và hội nhập đan xen.

Bánh mì Sài Gòn những ngày đầu
Bánh mì Sài Gòn những ngày đầu. Ảnh: Sưu tầm

Từ những năm 1950, bánh mì Việt Nam có thể được tìm thấy trong các cộng đồng du học sinh và di dân Việt sống tại Pháp. Tác giả Song Thao, một người Việt định cư ở quốc gia này, nhận định “Bánh mì là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời giữa hai nền văn hóa Pháp – Việt. Đó là một cuộc hôn nhân hoàn hảo”. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhiều người miền Nam di cư sang Hoa Kỳ, châu Âu và Úc, mang theo công thức bánh mì kẹp Việt Nam vượt qua biên giới và trải dài khắp toàn cầu. Bánh mì Việt Nam xuất hiện ở mọi quốc gia có kiều bào người Việt sinh sống có thể được tìm thấy ở khắp nơi, từ các quầy bánh trên đường phố, chợ dân sinh cho đến cả nhà hàng sang trọng.

Đoạn văn có sử dụng thông tin và tư liệu lịch sử từ Wikipedia, Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc, Phạm Vũ (Báo Tuổi Trẻ), Xuân Hương (Báo Mai), ảnh C.Mydans

 

Bánh mì “chiếm sóng” bản đồ ẩm thực

Bánh mì Việt Nam như một thước tư liệu đời sống chân thực, khi mà tài năng sáng tạo của người Việt kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị ẩm thực phương Tây và phương Đông, tạo nên một hương vị khó quên. Những “bí quyết” nhỏ như việc ủ bột hai lần trong ngày, phun hơi nước khi nướng hay tạo ra những vết “chân chim” trên vỏ bánh chính là những chi tiết tinh tế góp phần làm nên hương vị đặc trưng của bánh mì Việt.

Bánh mì kẹp qua ba miền Bắc – Trung – Nam

Cẩm nang du lịch Việt Nam - Bánh mì kẹp
Bánh mì kẹp. Ảnh: Sưu tầm

Bánh mì kẹp là món ăn đường phố bình dân rất phổ biến ở Việt Nam, hài hòa giữa mặn – ngọt – chua – cay. Điểm đặc biệt của bánh mì kẹp chính là thực khách có thể dễ dàng tạo nên chiếc bánh mì theo khẩu vị cá nhân – lựa chọn đa dạng nhiều loại nhân (trứng, pate, thịt lợn nướng, giò heo,…) kết hợp với rau (thơm, dưa chuột, hành tây, cà rốt,…) và các loại sốt (tương ớt,…). Tại mỗi vùng miền ở Việt Nam, bánh mì kẹp lại được ‘biến hóa’ với phần nhân đa dạng, phù hợp với khẩu vị, đặc trưng ẩm thực ở nơi đó.

silkpath-hanoi-travel-guide-banh-mi
Bánh mì & các loại nhân đặc sắc của mỗi vùng miền

Nếu bánh mì truyền thống Hà Nội đặc trưng với với nhân bơ, pate gan, ruốc, xá xíu, xúc xích đỏ, tương ớt… tại Huế hay Quảng Bình, người dân địa phương lại kết hợp bánh mì nóng giòn với phần nhân bánh bột lọc để ăn được no, chắc bụng. Tại Khánh Hòa, bánh mì được kẹp cùng chả cá chiên, ăn kèm sốt tỏi ớt và thêm đồ chua, hành ngò, rau răm, tương ớt. Hình dáng của chiếc bánh mì cũng có sự khác biệt tại một số địa phương trên mảnh đất hình chữ S. Bánh mì cay tại Hải Phòng chỉ to gần bằng hai ngón tay, dài khoảng 20 cm, thường kẹp pate, tương ớt và chút rau mùi, trong khi đó bánh mì Hội An lại có kiểu dáng thon, hai đầu nhọn, thân mình mỏng hơn, ăn cùng pate, thịt lợn thăn nướng, chả lụa, xúc xích, rau sống, nộm và nước sốt thịt đặc biệt.

 

Bánh mì chấm sữa tuổi thơ

Bên cạnh các loại bánh mì kẹp nhân thập cẩm mặn, biết bao thế hệ người Việt luôn bồi hồi khi nhắc đến một món ăn đặc biệt, gắn liền với những năm tháng “ngày xưa” và ký ức tuổi thơ không thể nào quên, đó chính là bánh mì chấm sữa đặc. Chiếc bánh mì nóng giòn mới ra lò đựng trong chiếc thúng đan bầu, phủ lên tấm vải tối màu cũ kỹ được các chị, các cô hàng rong vác theo, sang sảng tiếng rao “Ai bánh mì nóng giòn đây!” thật quen thuộc, thân thương.

Cẩm nang du lịch Việt Nam - Bánh mì chấm sữa

Chiếc bánh mì xưa vỏ giòn tan, ruột mềm, xốp được xé ra thành từng miếng nhỏ, sau đó chấm vào sữa đặc Ông Thọ sánh quyện tạo nên hương vị béo ngậy ngọt ngào, xua tan đi cái đói. Dù tiết đông sang hay hạ tới, bánh mì chấm sữa đặc vẫn là một món ăn được ưa thích. Không cầu kỳ nhưng với nhiều người, bánh mì chấm sữa đặc vẫn luôn là dư vị của một thời hồn nhiên, giản dị và đầy thương nhớ.

 

Những “biến tấu” có 1-0-2 của bánh mì

Bỏ qua sự thật mất lòng khi cái tên bánh mì hay bị các Travel Blogger/ Food Reviewer nước ngoài viết lái thành “bahn mi”, những người Việt trẻ đã và đang viết tiếp câu chuyện sáng tạo không ngừng nghỉ về bánh mì, tạo nên vô số phiên bản bánh mì độc đáo trên khắp mọi miền đất nước!

Thử thách dành cho các tín đồ ẩm thực: Bánh mì bột lọc và bánh mì dân tổ. Ảnh: Sưu tầm
  • Bánh mì dân tổ Hà Nội: Món ăn đặc trưng của thủ đô, hấp dẫn với phần nhân “xào” nóng hổi beo béo từ hành tây, trứng, pate và xúc xích, tạo nên hương vị cực ngậy, đậm đà, khiến ai thử một lần cũng khó quên.
  • Bánh mì que cay Hải Phòng: Có kích thước nhỏ như “que” nhưng lại gây ấn tượng mạnh với lớp vỏ giòn rụm và nước sốt cay nồng đặc trưng, làm nên nét riêng của ẩm thực đất cảng.
  • Bánh mì bột lọc: Một sự kết hợp tinh tế giữa bánh mì giòn rụm và bánh bột lọc dẻo dai, mang đến trải nghiệm vừa lạ vừa quen, đậm chất miền Trung.
  • Bánh mì chảo: Món ăn đầy đủ dinh dưỡng gồm trứng ốp la, pate, xúc xích, thịt bò sốt tiêu… tất cả được bày trên chảo nóng hổi, ăn kèm bánh mì giòn.
  • Bánh mì nướng: Bánh mì được nướng giòn trên bếp than hồng, quét thêm lớp mật ong ngọt thơm hoặc muối ớt cay cay đậm đà, tạo nên món ăn vặt đường phố vừa lạ vừa gây nghiện.
  • Bánh mì fusion: Ở nước ngoài, bánh mì Việt được sáng tạo thành nhiều phiên bản mới lạ như bánh mì phở – kết hợp hương vị phở truyền thống với ổ bánh mì giòn, hay bánh mì xíu mại với sốt đậm đà, được các đầu bếp biến tấu theo phong cách phương Tây.
Bánh mì Hải Phòng – Bánh mì nướng muối ớt – Bánh mì chảo

Những phiên bản bánh mì này không chỉ phản ánh sự đa dạng trong ẩm thực Việt Nam mà còn thể hiện khả năng sáng tạo vô tận của người Việt trong việc biến tấu món ăn quen thuộc trở thành những trải nghiệm ẩm thực mới mẻ và thú vị.

*Ảnh: Kênh14, Review Villa, Hải Phòng Foodie, Instagram, Facebook

 

Gợi ý những địa chỉ bán bánh mì ngon

Ngoài phở, bánh mì cùng rất nhiều món ăn truyền thống khác nên nằm trong danh sách những món ăn nhất định phải thử của bất kỳ du khách nào muốn khám phá nét đẹp và nét độc đáo của ẩm thực Việt Nam.

 

Ăn bánh mì ở đâu tại Hà Nội?

Ảnh: Bánh Mì 25

BÁNH MÌ PHỐ HUẾ
● Địa chỉ: 118A Phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội
● Giờ mở cửa: 8h00 – 17h00

 

THE BANH MI STATION
● Địa chỉ: 17 Ngõ Trạm, Hoàn Kiếm, Hà Nội
● Giờ mở cửa: 7h00 – 22h00

 

BÁNH MÌ 25
● Địa chỉ: 25 Hàng Cá, Hoàn Kiếm, Hà Nội
● Giờ mở cửa: 7h00 – 21h00

 

Với vị trí trung tâm tại phố cổ Hà Nội, Silk Path Hotel HanoiSilk Path Boutique Hanoi sẽ là nơi lưu trú hoàn hảo cho mọi du khách để khám phá vẻ đẹp cổ kính cũng như thưởng thức những món ăn đường phố của thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. Silk Path Hà Nội, mang đến không gian tiện nghi, thoải mái như ở nhà cùng vị trí thuận lợi để trải nghiệm nền ẩm thực phong phú của thành phố.

 

 

Ăn bánh mì ở đâu tại Huế?

Silk Path - Vietnam Travel Guide - Bánh mì O Tho
Bánh mì O Tho. Ảnh: Sưu tầm

BÁNH MÌ TRƯỜNG TIỀN O THO
● Địa chỉ: 14 Trần Cao Vân, Phú Hội, Huế
● Giờ mở cửa: 6h30 – 10h30 | 16h00 – 3h00

 

BÁNH MÌ THU NGÂN
● Địa chỉ: 57 Lý Thường Kiệt, Phú Nhuận, Huế
● Giờ mở cửa: 6h00 -10h00

 

BÁNH MÌ THUẬN HƯNG
● Địa chỉ: 188 Lê Duẩn, Phú Thuận , Huế
● Giờ mở cửa: 6h-24h

 

Tọa lạc tại vị trí trung tâm Cố Đô, Silk Path Grand Hue Hotel & Spa là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai muốn khám phá trọn vẹn tinh hoa ẩm thực Cố đô. Từ khách sạn, du khách dễ dàng tiếp cận những quán ăn địa phương nổi tiếng, thưởng thức các món ngon đặc trưng như bánh mỳ Huế, bún bò Huế, bánh bèo, bánh khoái, hay chè Huế truyền thống.

 

 

btn-dangkyhocthu